|

Chủ động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm

content:

 

Thời gian qua, các địa phương, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đẩy mạnh giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm nhằm đánh giá tình hình và cảnh báo tới các nhà quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Cùng với đó, xây dựng hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm, phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng...

thuc-pham.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Ba Vì giám sát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của một doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Phong Thu

Kịp thời sàng lọc, cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, nhằm tăng cường phát hiện mối nguy ô nhiễm thực phẩm, góp phần kịp thời phát hiện sản phẩm không an toàn để có biện pháp ngăn chặn...; thị xã đã triển khai đồng bộ hoạt động giám sát nhằm phòng ngừa, giảm thiểu sự cố về an toàn thực phẩm như: Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm; tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, thị xã thành lập các đội điều tra ngộ độc thực phẩm phản ứng nhanh, sẵn sàng điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm và sự cố về an toàn thực phẩm; thông báo số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin ngộ độc thực phẩm, phản ánh của người dân, cơ sở y tế, các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn.

Từ đầu năm đến nay, các đơn vị chức năng của thị xã đã lấy 11.921 mẫu xét nghiệm nhanh, trong đó, số mẫu đạt là 11.141 mẫu (chiếm 93,4%); đối với các mẫu không đạt do còn tinh bột tồn tại ở dụng cụ ăn uống sau khi vệ sinh.

Trong khi đó, Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Thất Vương Thị Ngọc Diên cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện triển khai giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với một số loại thực phẩm có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn. Huyện đã xét nghiệm nhanh 8.090 mẫu, số mẫu không đạt là 600; tuyến xã xét nghiệm nhanh 7.500 mẫu; số mẫu không đạt là 752.

Những trường hợp phát hiện mẫu không đạt các chỉ tiêu an toàn, huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; lấy mẫu thực phẩm theo quy định kiểm nghiệm những chỉ tiêu giám sát không đạt, tìm ra nguyên nhân và xử lý vi phạm theo quy định. Trong quá trình thực hiện tại các cơ sở, Đoàn kiểm tra, giám sát lấy mẫu thực phẩm đồng thời hướng dẫn tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong, an toàn thực phẩm có vai trò đặc biệt quan trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người sử dụng. Từ đầu năm đến nay, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thành lập nhiều đoàn thực hiện lấy mẫu, giám sát mối nguy ở các quận, huyện, thị xã. Qua đó, kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn đang lưu thông trên thị trường. Khi phát hiện vi phạm, chi cục tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý theo quy định của pháp luật. Giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm là hoạt động định kỳ, được chi cục tổ chức hằng năm nhằm sàng lọc, cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đề xuất xử lý vi phạm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm an toàn.

Kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm

Hiện nay, công tác lấy mẫu giám sát mối nguy ở các địa phương trên địa bàn Hà Nội còn khó khăn, việc quản lý sản phẩm tự công bố thông qua hoạt động hậu kiểm vẫn khó kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm; tỷ lệ sản phẩm thực phẩm được lấy mẫu hậu kiểm sau công bố, tự công bố còn thấp. Ngoài ra, việc xây dựng, hình thành, phát triển các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ còn ít; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sau thu hoạch trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm còn hạn chế. Các cơ sở chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ tồn tại trong khu dân cư, phân tán, hoạt động mang tính tự phát, ảnh hưởng tới môi trường…

Để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; yêu cầu công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, danh sách cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm. Huyện duy trì vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, kiểm soát từ nguồn gốc đến lưu thông trên thị trường; tăng cường quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn...

Tại Phú Xuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Huy cho biết, huyện tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm; bảo đảm số lượng mẫu giám sát mối nguy an toàn thực phẩm thực hiện theo kế hoạch; giám sát, phòng ngừa và hạn chế ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm; chủ động giám sát mối nguy, phát hiện sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn đang lưu thông trên thị trường.

Việc giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đang được các ngành, địa phương thực hiện, song người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, tránh mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Mỗi người dân hãy là một giám sát viên về an toàn vệ sinh thực phẩm, kịp thời thông tin tới cơ quan chức năng khi phát hiện thực phẩm bẩn, không bảo đảm an toàn.

content:
content:

content:

Thư viện hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 1342
Số lượt truy cập: 424461