Quản lý chặt chẽ hơn việc công bố tiêu chuẩn cơ sở
- content:
Chiều 22-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định đảm bảo tuân thủ cam kết thực hiện Hiệp định WTO/TBT và các FTA thế hệ mới, phù hợp với thông lệ quốc tế liên quan đến khái niệm, thuật ngữ, chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, hạ tầng chất lượng quốc gia, minh bạch hóa về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, lập báo cáo đánh giá tác động của quy chuẩn kỹ thuật, cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp xuyên biên giới.
Dự thảo Luật cũng nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động liên quan đến xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động thử nghiệm, chứng nhận, giám định nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội, phù hợp thông lệ quốc tế.
Dự thảo Luật giúp hoàn thiện quy định về đối tượng, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật như: Quy định đối tượng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thuộc danh mục bí mật nhà nước; quy định rút ngắn thời gian xây dựng, công bố, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật so với hiện nay; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo trình tự, thủ tục rút gọn; lập đánh giá tác động khi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; quy định về xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và trách nhiệm thông báo tiêu chuẩn cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dự thảo Luật bổ sung quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đổi mới hoạt động xuất bản, phát hành tiêu chuẩn Việt Nam theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiệu quả.
Dự thảo Luật hoàn thiện quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp (khái niệm, nguyên tắc chung, quyền và nghĩa vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp, mở rộng hoạt động cung cấp dịch vụ đánh giá sự phù hợp xuyên biên giới; thừa nhận đa phương, song phương, đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức nước ngoài) nhằm nội luật hóa các cam kết tại các FTA thế hệ mới, đồng thời đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Dự thảo Luật sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách về phổ biến, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên gia tiêu chuẩn hóa nói chung, thành viên ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan ngày càng cao của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn việc cơ quan nhà nước chỉ được phép xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở trong phạm vi tổ chức của mình, không bắt buộc các tổ chức, cá nhân áp dụng tiêu chuẩn cơ sở do cơ quan nhà nước công bố. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung quy định chế tài xử lý trong trường hợp vi phạm quy định này; bổ sung quy định quản lý chặt chẽ hơn việc công bố tiêu chuẩn cơ sở; cập nhật công khai tiêu chuẩn cơ sở trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đối với xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị rà soát, quy định hướng dẫn cụ thể việc xây dựng, thẩm định, ban hành cho phù hợp với thực tế; quy định thống nhất đơn vị làm đầu mối hướng dẫn triển khai xây dựng; quy định rõ vai trò của các bộ, ngành trong việc hướng dẫn chuyên môn trong quá trình xây dựng quy chuẩn địa phương.
Về xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị quy định đầy đủ, chi tiết hơn nữa các nội dung này, trong đó, nghiên cứu quy định các chính sách, cơ chế ưu đãi cụ thể hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất… cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động tiêu chuẩn hóa, nhất là đối với các lĩnh vực mới.