Bảo đảm Luật Thủ đô đi vào cuộc sống ngay từ thời điểm có hiệu lực
- content:
Chiều 11-10, đại biểu Quốc hội Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc cử tri các huyện Mê Linh, Sóc Sơn trước kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại UBND huyện Mê Linh, kết nối trực tuyến đến các điểm cầu tại huyện Sóc Sơn, với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành và đông đảo cử tri hai huyện.
Sớm triển khai cơ chế, chính sách về đất đai
Tại hội nghị, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã trình bày dự kiến chương trình kỳ họp thứ tám; đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trình bày báo cáo trả lời của các cơ quan chức năng đối với cử tri hai huyện tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước.
Cử tri hai huyện Mê Linh, Sóc Sơn đánh giá, thành phố đã kịp thời triển khai để sớm đưa Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống, tháo gỡ các vấn đề về cơ chế, chính sách, thúc đẩy phát triển cho thành phố. Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Cho biết, cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp trong khi mức hỗ trợ còn thấp, cử tri Nguyễn Khắc Hãn (huyện Mê Linh) kiến nghị xem xét sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhằm nâng cao mức hỗ trợ.
Liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, cử tri Nguyễn Khắc Hài (huyện Mê Linh) kiến nghị giao đất tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân theo giá đất cụ thể, bảo đảm “1 dự án, 1 chính sách”. Cho biết, huyện di dời 3 trường học bàn giao mặt bằng cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, cử tri Nguyễn Khắc Hài cũng kiến nghị thành phố bố trí nguồn vốn xây dựng lại 3 trường học này đạt chuẩn quốc gia.
Cử tri huyện Mê Linh, huyện Sóc Sơn cũng bày tỏ kiến nghị liên quan đến hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND ngày 27-9-2024, quy định các nội dung liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố.
Nâng cao chất lượng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô
Tham gia trả lời cử tri tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, căn cứ Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1-8-2024, các bộ đã có nghị định, thông tư, UBND thành phố đã có Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND cũng như các quyết định về giá đất, giải phóng mặt bằng. Sở vẫn triển khai tiếp nhận các thủ tục của người dân cũng như đã có hướng xử lý cho các trường hợp chia tách thửa. Về nội dung của Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND về các điều kiện để chia tách thửa đất ở, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông tin, việc nâng diện tích tách thửa để bảo đảm phát triển đô thị văn minh, điều kiện sống tối thiểu người dân.
Về việc này, đại biểu Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố - cho biết, việc thực hiện chính sách mới vẫn còn lúng túng, cần thời gian để nhuần nhuyễn. Về quy hoạch Thủ đô với tầm nhìn dài hạn, cách tiếp cận mới, Chủ tịch UBND thành phố nói: “Công tác quy hoạch là công việc lớn. Làm hôm nay phải nghĩ cho mai sau.” Thành phố đang phối hợp với cơ quan có thẩm quyền nhằm hoàn thiện dự thảo các quy hoạch trình Chính phủ và tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện các quy hoạch ngay sau khi được phê duyệt.
Về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Mạnh Phương cho biết, thành phố đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, trong đó, nâng mức hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Hiện, dự thảo Nghị định thay thế đang được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi được Chính phủ ban hành.
Đối với chính sách hỗ trợ thiệt hại sau bão số 3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố có chính sách hỗ trợ gián tiếp như cho vay lãi suất ưu đãi phục hồi sản xuất, kinh doanh thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tài chính ủy thác; hỗ trợ trực tiếp thông qua vận dụng tối đa các văn bản, đặc biệt là Luật Thủ đô, nhằm nâng mức hỗ trợ cho người dân.
Về triển khai thi hành Luật Thủ đô, đại biểu Quốc hội - Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, khối lượng công việc rất lớn và phức tạp do Luật có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, nhiều quy định mới. Với gần 100 nghị quyết quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô, dự kiến HĐND thành phố sẽ dành phần lớn thời gian kỳ họp cuối năm 2024 để xem xét, quyết định các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật. Hiện tại, các sở, ngành thành phố đang tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo các nghị quyết, bảo đảm chất lượng cao nhất trình HĐND thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị lãnh đạo các huyện, cơ quan chuyên môn lấy ý kiến cử tri đóng góp vào các nghị quyết bảo đảm các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống ngay từ thời điểm Luật có hiệu lực (1-1-2025).
Nhấn mạnh, thành phố đã tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), đồng chí Trần Sỹ Thanh cho biết, công tác đền ơn đáp nghĩa, bảo đảm an sinh xã hội như hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát… đã được thực hiện chu đáo.
Tại hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố tặng 30 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng tới công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Mê Linh.