|

Hà Nội tăng cường xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

content:

 

Để bảo vệ sức khỏe của người dân, thời gian qua, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể...

Nhờ đó đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

attp1.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Trang Thu

Qua công tác kiểm tra từ đầu năm 2024 cho đến nay, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, các hành vi vi phạm chủ yếu là khu vực bếp có côn trùng động vật gây hại; hệ thống cống hở, ứ đọng; không ghi chép hoặc ghi không đúng số kiểm thực 3 bước; lưu mẫu thức ăn không đúng quy định; ghi nhãn sản phẩm và quảng cáo sản phẩm thực phẩm không đúng; khu vực chứa đựng, trưng bày hàng hóa không đầy đủ giá kệ; không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm…

Điển hình như mới đây, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Sử Trường Sơn (số 42 đường 9 khu tập thể F361 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) 8 triệu đồng do thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước. Ngoài ra, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Phúc Linh (số 172 đường Hạ Trại, Cự Khối, quận Long Biên) cũng bị xử phạt 12 triệu đồng do thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập. Còn Công ty TNHH Dược phẩm Hợp Nhất (ở Khu đô thị Xuân Phương Viglacera, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) bị xử phạt 25 triệu đồng do chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm…

Trước những vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện trong thời gian qua, theo ông Vũ Cao Cương, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực này cần tiếp tục được các cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã triển khai thường xuyên, liên tục; qua đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai để người dân biết. Đồng thời, sau kiểm tra, cơ quan chức năng của các quận, huyện, thị xã sẽ tiến hành hậu kiểm việc khắc phục sai phạm của các cơ sở. Cùng với việc xử lý nghiêm, tăng cường hậu kiểm, các đơn vị cần chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở tuân thủ đầy đủ quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, đặc biệt chú trọng nguyên liệu thực phẩm nhập vào phải bảo đảm rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Để công tác quản lý an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội cũng đề ra các nhóm giải pháp cần tập trung triển khai trong những tháng cuối năm. Cụ thể là tổ chức chiến dịch truyền thông sâu rộng đến các nhóm đối tượng; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong trường học và bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống. Đồng thời, ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn cần tiếp tục tổ chức kiểm tra theo các chuyên đề, kiểm tra định kỳ và đột xuất. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, các hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bếp ăn trường học, bếp ăn khu công nghiệp…

Riêng đối với ngành Y tế Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp Hà Nội tổ chức thực hiện công tác giám sát, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định. Mục tiêu đặt ra là không để xảy ra vụ ngộ độc lớn trên địa bàn Thủ đô.

content:
content:

content:

Album ảnh

portal-sessiontracking

Đang trực tuyến: 764
Số lượt truy cập: 424751